Chuyên mục
Ảnh hoạt động
Thông tin truy cập
Đang truy cập
Tổng truy cập
28
7921591

Giới thiệu quyển sách “Đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

17/11/2023 05:11 GMT+7
In bài Gửi bài viết

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đây là thông điệp mà Người muốn gửi đến đồng bào cả trong và ngoài nước về sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn diện.

Đó cũng là truyền thống tốt đẹp mà Đảng ta đang tiếp nối và vận dụng trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là quan điểm mà tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời là để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế thừa truyền thống, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), Thư viện tỉnh Vĩnh Long trân trọng giới thiệu quyển sách “Đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do PGS. TS Trần Hậu biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội ấn hành năm 2022.

Dai doan ket dan toc va mat tran dan toc thong nhat Viet Nam.jpg

Với độ dày 444 trang, nội dung quyển sách được chia thành ba phần. Phần một nêu “Một số vấn đề nghiên cứu về đại đoàn kết dân tộc”; trong đó tập trung trình bày vấn đề xây dựng sự đồng thuận xã hội, gắn bó với cộng đồng; đặc biệt là đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất cấp thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay, mà còn là sự sinh tồn của cả dân tộc trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động; hay bài học lớn của cách mạng Việt Nam về đại đoàn kết thể hiện rõ trong Cương lĩnh của Đảng.

Ngoài ra, trong phần cơ sở lý luận này cũng nêu ra các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới; vai trò tạo động lực cho sự phát triển đất nước; đoàn kết quốc tế qua kinh nghiệm xây dựng quan hệ đặc biệt Việt – Lào; đấu tranh bảo vệ đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Sang phần hai với chủ đề “Một số vấn đề nghiên cứu về Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”. Việc ra đời của tổ chức này là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, hướng đến mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những nội dung trọng tâm của phần này sẽ đề cập đến các yếu tố sau: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội; mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc ở Việt Nam; định hướng và giải pháp phát triển lý luận về dân tộc ở nước ta từ góc độ chính trị-xã hội; công tác tôn giáo trong tình hình mới; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; công tác đoàn kết kiều bào trong công cuộc đổi mới; Quân đội nhân dân Việt Nam một thành viên của Mặt trận; Mặt trận Việt Minh hay Mặt trận Liên Việt, nhìn từ bài học lịch sử cho hôm nay và những đóng góp đối với cách mạng Việt Nam.

Phần cuối quyển sách nêu “Mấy vấn đề về quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Trong đó, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Mặt trận Tổ quốc thể hiện qua mấy vấn đề mà Thư viện muốn giới thiệu đến bạn đọc như sau:

Thứ nhất là, việc giám sát và phản biện xã hội là con đường thực hiện dân chủ, công cụ thể hiện vai trò làm chủ của nhân dân, với quan điểm lấy “dân là gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đề ra trong tác phẩm “Đường cách mệnh” năm 1927. Quan điểm đó được Đại hội XIII của Đảng ta tái khẳng định: “Nhân dân được xác định là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; đó là “định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp”, một yêu cầu mới đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba là, phương thức lãnh đạo bằng nêu gương, thuyết phục – Nét đặc thù về mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mối quan hệ tác động qua lại; trong đó nhấn mạnh quá trình tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận gắn liền với quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng, cũng như việc đổi mới về tổ chức của Mặt trận.

Quyển sách “Đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” là một công trình nghiên cứu công phu. Nội dung cung cấp cơ sở lý luận được phân tích sâu sắc, thực tiễn được chứng minh cụ thể và khách quan rất phù hợp với hoạt động tham khảo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc và cán bộ các cấp của tổ chức này tìm hiểu, nghiên cứu và tham mưu những giải pháp thực hiện chiến lược hay chính sách đoàn kết toàn dân trên địa bàn.

Sách hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long. Rất hân hạnh phục vụ quý bạn đọc!

Ký hiệu sách: VL.010941

Hồ Minh

Văn Bản Mới
Video